Các phần mềm giả lập Java dành cho máy tính tốt nhất

Java là một ngôn ngữ lập trình hỗ trợ đa nền tảng, nhất là trên các thiết bị di động, chúng ta có thể dễ dàng viết ứng dụng bằng Java sau đó build source code thành những tập tin .jar và chạy được trên điện thoại. Để có thể thử nghiệm các ứng dụng viết ra trực tiếp trên máy tính, các lập trình viên có thể sử dụng các phần mềm giả lập Java cho máy tính để có thể kiểm tra, thử nghiệm và tiết kiệm được thời gian. Bài viết hôm nay mình cũng các bạn tìm hiểu về các phần mềm giả lập Java phổ biến hiện nay nhé.

Phần mềm giả lập là gì?

Phần mềm giả lập là một chương trình cho phép hệ thống bắt chước giống như một hệ thống khác, chẳng hạn như phần mềm giả lập một điện thoại chạy trên máy tính. Chương trình giả lập cho phép các hoạt động bên trong nó chạy tương tự với trên thiết bị thật, có thể sử dụng các thiết bị ngoại vi được thiết kế riêng.

Chúng ta có thể dễ gặp các phần mềm giả lập nổi tiếng như: giả lập console để chơi các tựa game console trên máy tính, giả lập điện thoại để chạy được các ứng dụng smartphone trên máy tính,….

Lợi ích của việc sử dụng phần mềm giả lập:

  • Cho phép lập trình viên kiểm tra ứng dụng viết ra trên thiết bị “giống” thật nhất có thể để chỉnh sửa lại ứng dụng nếu cần
  • Phần mềm giả lập cho phép lựa chọn nhiều thiết lập về màn hình, phần cứng,… khác nhau, điều mà mỗi thiết bị thật chỉ cung cấp được 1 lựa chọn duy nhất. Từ đó có thể kiểm tra được các lỗi liên quan đến responsive, version hệ điều hành,…
  • Tiết kiệm thời gian ở giai đoạn kiểm thử, có thể tích hợp việc kiểm thử tự động trên các thiết bị giả lập.
  • Tiết kiệm chi phí trang bị thiết bị phần cứng

Giả lập Java trên máy tính

Giả lập Java trên PC là gì?

Giả lập Java trên máy tính thường được hiểu là việc tạo ra một môi trường trên máy tính để chạy các ứng dụng Java. Tuy nhiên, cụm từ “giả lập Java” có thể dễ gây hiểu nhầm, vì thực chất, việc chạy các ứng dụng Java trên máy tính không cần đến một “trình giả lập” theo nghĩa truyền thống và không yêu cầu phần mềm giả lập đặc biệt mà chỉ cần môi trường chạy Java (Java Runtime Environment – JRE) và các công cụ phát triển Java (Java Development Kit – JDK).

Các công cụ và môi trường để chạy Java trên máy tính

  1. Java Runtime Environment (JRE): JRE là một phần của Java Development Kit (JDK) và bao gồm mọi thứ bạn cần để chạy các ứng dụng Java, bao gồm Java Virtual Machine (JVM), thư viện lõi và các thành phần khác.
  2. Java Development Kit (JDK): JDK bao gồm JRE và các công cụ phát triển như trình biên dịch javac, trình gỡ lỗi jdb, và nhiều công cụ khác. Để phát triển ứng dụng Java, bạn cần cài đặt JDK.
  3. Integrated Development Environment (IDE): Các IDE như IntelliJ IDEA, Eclipse, và NetBeans cung cấp một môi trường phát triển tích hợp để viết, gỡ lỗi và triển khai các ứng dụng Java. Chúng cũng đi kèm với nhiều công cụ và tiện ích để tăng hiệu suất phát triển.

Cách thức hoạt động

1. Cài đặt JDK và IDE

  • Bước 1: Tải xuống và cài đặt JDK từ trang web chính thức của Oracle hoặc các nhà cung cấp khác như OpenJDK.
  • Bước 2: Cài đặt một IDE yêu thích của bạn (như IntelliJ IDEA, Eclipse hoặc NetBeans).

2. Viết và biên dịch mã nguồn Java

  • Bước 1: Mở IDE và tạo một dự án Java mới.
  • Bước 2: Viết mã nguồn Java trong các tệp .java.
  • Bước 3: Biên dịch mã nguồn bằng công cụ biên dịch tích hợp của IDE hoặc sử dụng lệnh javac trong dòng lệnh.
public class HelloWorld {
 public static void main(String[] args) {
 System.out.println("Hello, World!");
 }
}

3. Chạy ứng dụng Java

  • Bước 1: Sau khi biên dịch, các tệp .class được tạo ra.
  • Bước 2: Chạy ứng dụng bằng cách sử dụng JVM. Điều này có thể được thực hiện thông qua IDE hoặc sử dụng lệnh java trong dòng lệnh
java HelloWorld

4. Debug và kiểm thử

  • IDE cung cấp các công cụ gỡ lỗi mạnh mẽ cho phép bạn đặt điểm dừng (breakpoints), theo dõi giá trị biến và kiểm tra luồng thực thi của chương trình.
  • Bạn có thể viết các bài kiểm thử đơn vị (unit tests) bằng cách sử dụng các thư viện như JUnit để đảm bảo rằng mã của bạn hoạt động như mong đợi.

Lợi ích của việc sử dụng môi trường phát triển Java

Các tính năng chính của các phần mềm giả lập Java:

  • Chạy các ứng dụng java trên PC
  • Người dùng thường sử dụng giả lập cho các game để trải nghiệm trực tiếp trên PC
  • Lập trình viên sử dụng để kiểm tra các ứng dụng Java được viết ra
  • Hỗ trợ bàn phím tương tự các thiết bị thật, bao gồm các phím bấm điều hướng và bàn phím số, chữ
  • Hoạt động mượt mà do cấu hình không đòi hỏi cao, có thể chạy đồng thời nhiều thiết bị, nhiều cấu hình máy

Các phần mềm giả lập Java trên PC tốt nhất

KEmulator

KEmulator là ứng dụng miễn phí giúp giả lập Java trên PC một cách dễ dàng. Dung lượng ứng dụng nhẹ, giao diện thân thiện với người dùng, có thể cài đặt hầu hết các game Java dành cho điện thoại. 

KEmulator cho phép giả lập các thiết bị điện thoại của nhiều hãng khác nhau, từ Nokia, Samsung, Sony,… với đầy đủ các dòng, phiên bản nổi tiếng của các hãng. KEmulator có thể chạy trực tiếp như một ứng dụng trên PC mà không cần cài đặt, nó hỗ trợ khá tốt cả các ứng dụng, game chạy online cần kết nối mạng Internet một cách bình thường. Việc tùy chính phím bấm phù hợp với yêu cầu thao tác trực tiếp trên bàn phím cũng là một ưu điểm mà KEmulator mang lại cho người dùng.

MicroEmulator

MicroEmulator là một lựa chọn giả lập nhanh và nhẹ, thích hợp cho các lập trình viên muốn thử nghiệm ứng dụng của mình. MicroEmulator nhẹ hơn khá nhiều so với Kemulator, ngoài ra nó còn hỗ trợ chuột giống như trên các điện thoại màn hình cảm ứng. Phần mềm này hoạt động với các thư viện đồ họa khác nhau như Swing hay SWT, hỗ trợ các chuẩn API từ Nokia, hỗ trợ MIDP 2.0, hỗ trợ FileConnection API,…

MicroEmulator cũng hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ kéo thả để cài đặt ứng dụng một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Sun Java Wireless Toolkit

Đây có thể xem là cây nhà lá vườn của Java do Oracle cung cấp, nó còn có tên khác là J2ME Wireless Toolkit.

Ưu điểm lớn nhất của phần mềm giả lập này là khả năng tương thích với bất cứ ứng dụng Java nào nhờ sự hỗ trợ đến từ Oracle. J2ME tool hỗ trợ tốt nhất cho các lập trình viên trong việc theo dõi hoạt động của thiết bị, debug các hoạt động thực thi trên ứng dụng vì thế phần mềm này thường được sử dụng trong việc lập trình phát triển ứng dụng Java.

Kết bài

Hiện nay với sự phát triển của smartphone và các hệ điều hành trên thiết bị di động, việc giả lập Java để chơi game trên PC cũng ít hơn. Tuy vậy đối với lập trình viên thì đây vẫn là những công cụ hữu ích dành cho việc phát triển phần mềm bằng ngôn ngữ Java. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm những kiến thức về phần giả lập phần mềm, hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của mình.

Bài viết được đăng trên blog TopDev: https://topdev.vn/blog/cac-phan-mem-gia-lap-java-danh-cho-may-tinh-tot-nhat/

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *