Trong một công ty, tổ chức thì IT Manager là người chịu trách nhiệm quản lý hệ thống công nghệ và toàn bộ thông tin liên quan giúp duy trì sự ổn định và bảo mật của các hoạt động. Với vai trò quan trọng đó thì vị trí IT Manager luôn có nhu cầu tuyển dụng cao với mức đãi ngộ tốt, được nhiều công ty chú trọng. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu danh sách những câu hỏi tuyển dụng vị trí IT Manager để có thể chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn sắp tới nhé.
IT Manager là gì? Công việc của một IT Manager
IT Manager là những chuyên gia công nghệ thông tin, công việc hàng ngày là lên kế hoạch, chỉ đạo và giám sát các hoạt động liên quan đến máy tính và hệ thống thông tin của công ty. IT Manager cũng là người quản lý bộ phận IT của phòng ban và là người chỉ đạo thực hiện các dự án công nghệ. Công việc của một IT Manager chia làm 2 nhiệm vụ chính:
- Đảm bảo các hoạt động và dự án công nghệ của doanh nghiệp phát triển tốt:
- Đánh giá nhu cầu, xem xét nguồn lực từ đó lên kế hoạch cải tiến hệ thống của công ty nhằm nâng cao hiệu suất
- Đề xuất phương án cải tiến và nâng cấp
- Phát triển và giám sát chính sách công nghệ thông tin
- Giám sát các dự án công nghệ liên quan đến hệ thống của công ty
- Quản lý nhân sự, nguồn lực IT của doanh nghiệp:
- Phân bổ nguồn lực nhân sự cho các dự án
- Đảm bảo nhân viên làm việc hiệu quả và hoàn thành công việc
Kể tên một số mô hình mạng dùng trong doanh nghiệp phổ biến
Mô hình mạng là hệ thống kết hợp nhiều yếu tố để kết nối các máy tính, thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý phân phối và lưu trữ dữ liệu. Đối với doanh nghiệp có một số mô hình mạng phổ biến sử dụng như sau:
- Mạng 3 tầng (3-layer network): hệ thống mạng được chia thành 3 tầng gồm Access, Distribution và Core.
- Multi-chassis LAG: cải tiến trên mô hình mạng 3 tầng với việc gom các kết nối thành nhóm (Link Aggregation Group).
- CLOS Network: hệ thống chuyển mạch kênh – một giải pháp tối ưu kiến trúc mạng doanh nghiệp gồm 3 chặng từ khi dữ liệu đi vào cho tới khi đi ra gồm: Ingress, Middle và Egress.
- IP Fabric, VXLAN: VXLAN được thiết kế với mô hình Leaf-Spine cung cấp các dịch vụ kết nối Layer2 và Layer3 thông qua mạng IP. Đây được xem như mô hình hiện đại thay thế khắc phục mô hình 3 lớp cũ trước đây.
Data Center là gì? Các tiêu chí xây dựng một Data Center cho doanh nghiệp
Data Center (DC) hay trung tâm dữ liệu là nơi tập trung các thiết bị, tài nguyên công nghệ thông tin với mật độ cao, cung cấp các chức năng xử lý, lưu trữ thông tin một cách ổn định, nhanh chóng. Để xây dựng một Data Center “chuẩn” cho doanh nghiệp, có một số tiêu chí sau cần được đảm bảo:
- Hệ thống nguồn điện ổn định, đảm bảo có hệ thống dự phòng cung cấp điện liên tục
- Hệ thống an ninh, bảo mật tốt, camera giám sát liên tục
- Hệ thống chống sét, hỏa hoạn; hệ thống làm mát chuẩn đảm bảo máy chủ luôn hoạt động tốt
- Đáp ứng đánh giá dựa trên 4 cấp độ của thang đo ANSI/TIA-942 hoặc Uptime Tier
Phân biệt các phần mềm tích hợp SCM, ERP và CRM sử dụng trong doanh nghiệp
SCM, ERP và CRM là 3 hệ thống phần mềm tích hợp phổ biến được áp dụng trong các hoạt động kinh doanh, vận hành của doanh nghiệp. 3 phần mềm này có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ và trao đổi các quy trình cùng dữ liệu cho nhau. Cụ thể:
- SCM: Supply Chain Management hay hệ thống quản lý chuỗi cung ứng là phần mềm tập trung vào các tiến trình hậu cần, mua sắm với nhà cung cấp nhằm mục đích tối ưu hóa việc lập kế hoạch mua sắm các yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất. Ứng dụng SCM giúp theo dõi việc lưu hành của sản phẩm và dịch vụ từ nhà cung cấp tới khách hàng, đồng thời quản lý nhà kho, lưu vận, vận hành và các yêu cầu liên quan khác.
- CRM: Customer Relationship Management hay hệ thống quản lý quan hệ khách hàng là hệ thống tích hợp liên tổ chức đặt trọng tâm vào khả năng giao tiếp với bên ngoài gồm khách hàng và nhà cung cấp. Mục đích sử dụng CRM là giúp doanh nghiệp có thể tìm được những khách hàng mới, duy trì mối quan hệ với các khách hàng cũ cũng như việc tối ưu hóa chi phí hoạt động và phục vụ khách hàng.
- ERP: Enterprise Resource Planning hay hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp là phần mềm tích hợp và phối hợp nhiều lĩnh vực hoạt động, phòng ban trong doanh nghiệp như tài chính kế toán, kinh doanh sản xuất, quản trị nhân lực, bán hàng, marketing, … Có thể xem ERP như một phần mềm tổng quan cho thấy được tất cả các hoạt động diễn ra trong doanh nghiệp, nó cũng kết nối với 2 hệ thống SCM và CRM để có thể lấy được các số liệu nhằm cung cấp bức tranh chính xác về tình trạng của doanh nghiệp hiện tại.
Với tư cách là một IT Manager, việc xây dựng hay vận hành hoặc có kế hoạch triển khai 3 phần mềm tích hợp trên sẽ giúp việc quản lý của IT Manager nói riêng và việc kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp nói chung trở nên dễ dàng và mang lại nhiều lợi ích hơn.
Những chứng chỉ có giá trị dành cho vị trí IT Manager
Chứng chỉ IT Manager có giá trị giúp bạn chứng minh được năng lực trong lĩnh vực quản lý của mình. Một số chứng chỉ phổ biến có giá trị cao như sau:
- CGEIT: Certified in Governance of Enterprise IT – chứng chỉ quản trị công nghệ thông tin doanh nghiệp
- CISSP: Certified Information Systems Security Professional – chứng nhận chuyên gia bảo mật hệ thống
- CRISC: Certified in Risk and Information Systems Control – chứng nhận kiểm soát rủi ro
- CITM: Certified Information Technology Manager – chứng nhận quản lý công nghệ thông tin
- ITIL: Information Technology Infrastructure Library – thư viện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin
- ITMLP: Information Technology Management and Leadership Professional – chứng nhận lãnh đạo chuyên nghiệp
- CISM: Certified Information Security Manager – chứng chỉ quản lý bảo mật thông tin
Định hướng phát triển sự nghiệp của bạn với vai trò là IT Manager
Với câu hỏi này, bạn có thể trả lời tùy theo dự định tương lai vị trí mà bạn muốn vươn tới theo lộ trình phát triển sự nghiệp của một IT Manager. Cụ thể có một số vị trí chức vụ như sau:
- Team Leader: vị trí đảm nhiệm vai trò quản lý team, nhóm nhỏ 3-6 người.
- Project Manager: nếu có mong muốn làm thiên về quản lý thì PM – quản lý dự án là một vị trí bạn có thể hướng đến.
- Manager/Director: Quản lý, giám đốc thường sẽ là vị trí cao hơn có vai trò quản lý nhiều đội nhóm cũng như nhiều dự án trong công ty.
- CTO – Giám đốc kỹ thuật đòi hỏi kiến thức về cả chuyên môn lẫn kỹ năng quản lý, đồng thời có khả năng cập nhật kỹ thuật, xu hướng công nghệ mới.
- CIO – Giám đốc công nghệ thông tin có vị trí điều hành hoạt động công nghệ thông tin cho doanh nghiệp, đồng thời hoạch định chiến lược đảm bảo hiệu suất làm việc cho công ty.
Kết bài
Trên đây là danh sách những câu hỏi phỏng vấn dành cho vị trí IT Manager mà các doanh nghiệp tuyển dụng sẽ có thể hỏi bạn. Hy vọng bài viết hữu ích giúp các bạn thêm tự tin để có thể ứng tuyển cho vị trí này. Cảm ơn các bạn đã đọc bài và hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo của mình.
Bài viết được đăng trên blog TopDev: https://topdev.vn/blog/cau-hoi-phong-van-it-manager/