RPA là một xu hướng mới và đang hot trong giới công nghệ thời gian gần đây, được xem là một trong những giải pháp chủ chốt của Digital Business Automation triển khai cho các khách hàng doanh nghiệp. Chính vì thế mà nhu cầu tuyển dụng kỹ sư xây dựng phần mềm tự động hóa RPA Engineer hiện tại đang khá cao trên thị trường. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu top những câu hỏi phỏng vấn vị trí RPA Engineer thường gặp nhé.
Sự khác biệt giữa AI và RPA là gì?
AI (Artificial Intelligence) là công nghệ mô phỏng lại bộ não của con người về việc lấy một lượng lớn dữ liệu, tự cập nhật cho phù hợp để có thể học hỏi, tiếp thu sau đó xử lý các dữ liệu mới hay đưa ra các dự đoán và phản hồi tương ứng.
Đối với RPA, mục đích là xử lý tốt các công việc lặp đi lặp lại dựa trên những thứ (chương trình, logic,…) được nạp vào sẵn mà không có khả năng nhận diện hay xử lý những thứ mới. Hay nói cách khác RPA không có sự thông minh của AI.
UiPath là gì?
UiPath là công cụ tự động hóa RPA phổ biến nhất hiện nay. UiPath cũng là tên của công ty chuyên sản xuất phần mềm tự động hóa quy trình bằng robot sở hữu phần mềm UiPath, giúp hỗ trợ người dùng tự động hóa quy trình bằng cách xây dựng các ứng dụng RPA trên nền tảng ngôn ngữ lập trình C#.
Các tính năng nổi bật của UiPath bao gồm:
- Cung cấp phần mềm tự động hóa miễn phí: UiPath Community Edition
- Hỗ trợ phát triển ứng dụng nhanh (RAD)
- Khả năng tương thích cao: hoạt động trên máy tính để bàn (desktop), SAP, Mainframe và ứng dụng Web
- Hỗ trợ nhiều tùy chọn lưu trữ: cloud, máy ảo và dịch vụ đầu cuối
Những tác vụ nào có thể sử dụng RPA để thay thế
RPA thường được sử dụng để tự động hóa các tác vụ có một hoặc nhiều đặc tính như dưới đây:
- Tác vụ có thao tác lặp đi lặp lại theo những quy tắc nhất định
- Tác vụ có dữ liệu được cấu trúc rõ ràng
- Tác vụ có nghiệp vụ đã được chuẩn hóa
- Tác vụ đòi hỏi nhiều nhân sự tham gia và dễ xảy ra lỗi do con người gây ra
Những ngành ứng dụng RPA phổ biến hiện nay
RPA với ưu điểm của nó sẽ phù hợp với một số ngành nhất định, cụ thể:
- Tài chính và ngân hàng: Các tác vụ như mở tài khoản, xác minh KYC,… với quy trình rõ ràng, làm việc với nhiều dữ liệu sẽ thích hợp để xây dựng ứng dụng RPA giúp thực hiện nhanh chóng và chính xác.
- Lĩnh vực sản xuất/bán lẻ: Các bot phần mềm hữu ích với các tác vụ như xử lý hóa đơn, xử lý đơn hàng,… giúp giảm chi phí thuê nhân sự.
- Lĩnh vực viễn thông: RPA giúp xử lý các tác vụ thanh toán, giải đáp thắc mắc khách hàng hay giúp việc quản lý sự cố trở nên dễ dàng hơn.
- Lĩnh vực Logistics: Các tác vụ xử lý đơn hàng, theo dõi vận chuyển sẽ được tự động hóa nhờ các ứng dụng RPA.
Những lợi ích dành cho doanh nghiệp khi áp dụng RPA
Tùy vào ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà việc áp dụng RPA có những lợi ích khác nhau, cụ thể như sau:
- Tiết kiệm chi phí: doanh nghiệp triển khai RPA có khả năng cắt giảm chi phí nhân sự, chi phí vận hành, chi phí xử lý lỗi phát sinh,… từ đó tối ưu được lợi nhuận.
- Tăng năng suất: RPA cho phép tinh gọn các quy trình doanh nghiệp, giúp gia tăng năng suất xử lý công việc.
- Nâng cao độ chính xác: Robot luôn tuân thủ quy trình với mức ổn định cao nên sẽ giảm được lỗi trong quá trình thực hiện tác vụ.
- Hoạt động liên tục, không gián đoạn: Các bot phần mềm có khả năng hoạt động 24/7, ngoài thời gian bảo trì định kỳ thì có thể xem như hệ thống hoạt động một cách liên tục.
- Giúp nhân viên tập trung vào công việc giá trị hơn: nhân sự sẽ có nhiều thời gian cho các tác vụ cần sự sáng tạo, cải tiến trong công việc; giảm bớt các tác vụ lặp đi lặp lại gây nhàm chán và giảm năng suất.
RPA là gì? Lập trình viên RPA làm công việc gì?
RPA – Robotic Process Automation là tâp hợp các công nghệ nhằm xây dựng các phần mềm làm thay đổi công việc của con người trên máy tính, với hiệu suất, độ chính xác cao hơn cũng như có khả năng theo dõi, đánh giá và nâng cấp được.
Hiểu một cách đơn giản hơn thì RPA cung cấp khả năng xây dựng các nhân công “Robot” làm thay việc của một nhân công “người” cho cùng một công việc; mang lại khả năng vận hành với công suất cao hơn, tốc độ, độ chính xác tốt hơn.
Cách thức hoạt động của RPA là hoạt động trên tầng giao diện của trình duyệt (Web), phần mềm,… mô phỏng tương tác của con người trên giao diện đồ họa người dùng (Graphic User Interface) giữa các hệ thống khác nhau. Lập trình viên có vai trò xây dựng các quy trình cụ thể để phần mềm (Robot) mô phỏng những tương tác trên; trong trường hợp thay đổi quy trình; lập trình viên cũng là người chỉnh sửa lại “Robot” để đáp ứng, đảm bảo hoạt động vận hành.
Ngôn ngữ lập trình sử dụng trong RPA
Nền tảng RPA (RPA Platform) thường được xây dựng trên các công cụ khác nhau và tùy vào ngôn ngữ bạn có thể lựa chọn một số nền tảng như dưới đây:
- Python: Python có rất nhiều thư viện, công cụ tích hợp và modules dành cho các tác vụ tự động hóa khác nhau. 2 thư viện phổ biến là Pandas dành cho các tác vụ sắp xếp và dọn dẹp dữ liệu; PyAutoGUI dùng để tự động hóa GUI.
- C# .NET: bạn có thể sử dụng phần mềm UiPath hay Automation Anywhere’s – 2 trong số những công cụ xây dựng ứng dụng RPA phổ biến nhất hiện nay
- Java: Công cụ Automation Anywhere’s cũng cho phép bạn lập trình bằng ngôn ngữ Java
- Ngoài ra lập trình viên RPA cũng có thể lựa chọn những phần mềm, công cụ chuyên biệt phổ biến như: Blue Prism, Power Automate, Robocorp, …
Kết bài
Trên đây là danh sách những câu hỏi phỏng vấn dành cho vị trí RPA Engineer thường gặp. Hy vọng bài viết này hữu ích dành cho những bạn có dự định tìm kiếm một vị trí mới cho công việc là kỹ sư RPA. Cảm ơn các bạn đã đọc bài và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của mình.
Bài viết được đăng trên blog TopDev: https://topdev.vn/blog/cau-hoi-phong-van-rpa-engineer/