Facebook giới thiệu LLaMA tạo siêu AI cạnh tranh với ChatGPT

ChatGPT thực sự đang là một hot trend công nghệ từ đầu năm 2023 cho đến nay. Với sự ra mắt ChatGPT ấn tượng của Microsoft thì các ông lớn khác cũng đã tham gia cuộc đua siêu AI này. Mới nhất thì ngày 24/2 vừa qua, CEO của Meta Mark Zuckerberg thông báo trên trang Facebook cá nhân của mình về một mô hình ngôn ngữ lớn mới được gọi là LLaMA giúp có thể tạo ra những chatbot siêu AI trong tương lai. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu những thông tin liên quan đến mô hình này nhé.

Chatbot AI là gì?

Chatbot là một hệ thống chat giao tiếp với người dùng thông qua các dòng text với mục đích để phản hồi các câu hỏi mà người dùng đưa ra. Chatbot truyền thống được xây dựng dựa trên các nguyên tắc và luồng hội thoại xác định từ trước; từ đơn giản như việc người dùng được yêu cầu nhấn vào các nút bấm hay phức tạp hơn bằng việc nhận diện ý định của người dùng qua một số keyword đã được lập trình sẵn. Cũng vì hạn chế về khả năng hội thoại và rập khuôn, kém tự nhiên khiến Chatbot truyền thống không được đón nhận từ người dùng.

Với sự phát triển của trí thông minh nhân tạo, Chatbot AI đã nâng tầm chatbot lên một thế hệ mới. Nhờ sự trợ giúp của AI, chatbot bây giờ có thể tạo ra các tương tác tự nhiên hơn, khả năng đa nhiệm, đa ngôn ngữ, xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ cao để đưa ra phản hồi cho người dùng.

Điều đáng nói hơn là AI Chatbot có thể học ngay từ những cuộc trò chuyện với người dùng, từ đó quá trình học máy (machine learning) lại được bổ sung và hoàn thiện dần thêm. 

Hiện tượng ChatGPT

ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 thực sự tạo ra một cơn sốt trên toàn cầu nhờ việc nó có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. ChatGPT sử dụng phương pháp học có giám sát supervised learning cùng với phương pháp học tăng cường reinforcement learning.

Hình dung một cách đơn giản thì ChatGPT như là một cỗ máy Google biết lựa chọn kết quả hợp lý nhất để đưa ra cho người dùng. Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã đạt được 100 triệu người dùng trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

Cuộc đua chatbot AI bắt đầu

Với việc phát triển thần kỳ của ChatGPT, các ông lớn khác cũng không thể ngồi yên. Google, ông lớn trong mảng tìm kiếm cũng có kế hoạch cho ra mắt chatbot Bard với mô hình ngôn ngữ lớn gọi là LaMDA. Và mới đây nhất, Mark Zuckerberg cho biết đã phát hành mô hình ngôn ngữ mới được gọi là LLaMA nhằm giúp các nhà phát triển xây dựng chatbot AI của mình.

LLaMA viết tắt của Large Language Model Meta AI – mô hình ngôn ngữ lớn về AI của Meta, nó hoạt động dưới dạng opensource, hoàn toàn miễn phí cho phép các nhà nghiên cứu, tổ chức chính phủ, xã hội sử dụng miễn phí. LLaMA tập trung hỗ trợ cho 20 ngôn ngữ dùng bảng chữ cái Latinh, đáng tiếc là Tiếng Việt của chúng ta chưa nằm trong danh sách này.

LLaMA của Meta có thế mạnh gì

Theo như Meta công bố, mô hình LLaMA có tối đa 65 tỷ tham số, bằng một phần ba so với ChatGPT nhưng bù lại nó được huấn luyện trên 1.400 tỷ từ, cao gấp 5 lần siêu AI của OpenAI.

Meta tuyên bố LLaMA có thể vượt trội các đối thủ trong một số tình huống cụ thể. Với 65 tỷ tham số, nó không hề thua kém Chinchilla70B và PaLM-540B của Google. Mô hình này cho thấy rất nhiều hứa hẹn trong việc tạo văn bản, trò chuyện, tóm tắt tài liệu bằng văn bản và các nhiệm vụ phức tạp hơn như giải các định lý toán học hoặc dự đoán cấu trúc protein.

Zuckerberg viết trên trang cá nhân của mình rằng Meta cam kết với mô hình nghiên cứu mở này và họ sẽ cung cấp mô hình này cho toàn bộ cộng đồng nghiên cứu AI. Điều này mở ra một tương lai cho những ngành nghiên cứu khoa học có thể sử dụng và phát triển nó một cách lớn mạnh hơn.

Tương lai của siêu Chatbot AI

Với sự tham gia của đầy đủ các ông lớn trên mặt trận công nghệ này, Microsoft với đầu tư vào ChatGPT và triển khai mô hình trên công cụ tìm kiếm Bing; Google thì đã có sẵn khả năng tìm kiếm tuyệt vời của mình đang phát triển Bard; và giờ đây là Meta Facebook với mô hình LLaMA đầy hứa hẹn. Ngoài ra còn các công ty công nghệ lớn đến từ Châu Á như Baidu đang có ý định tham gia cuộc chơi với chatbot có tên là Ernie Bot. Các sản phẩm này trước hết sẽ mang lại cho người dùng chúng ta nhiều lợi ích và trải nghiệm công nghệ tuyệt vời, sau đó chính là sự khẳng định vị thế của các ông lớn.

Hãy cùng chờ xem chatbot nào sẽ chiếm được thị trường trong tương lai và góp phần định hướng mô hình kinh doanh của các tập đoàn lớn trong thời gian sắp tới. Cảm ơn các bạn đã đọc bài, hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của mình.

Bài viết được đăng trên blog TopDev: https://topdev.vn/blog/facebook-gioi-thieu-llama-tao-sieu-ai-canh-tranh-voi-chatgpt/

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *