Nhắc đến ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất thì Python luôn luôn được xếp trong top đầu trong hầu hết các bảng xếp hạng. Với sự phát triển của khoa học dữ liệu hiện nay, Python lại càng được ưa chuộng hơn nhờ tốc độ xử lý dữ liệu của mình. Bài viết hôm nay mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu xem Python là gì? và các bước để tự học lập trình Python nhé.
Python là gì?
Hiểu đơn giản, Python là một ngôn ngữ lập trình bậc cao, mã nguồn mở và đa nền tảng. Python được Guido van Rossum giới thiệu vào năm 1991 và đã trải qua 3 giai đoạn phát triển khác nhau tương ứng với các version, mới nhất hiện nay là Python version 3x.
Ngay cả khi chưa đọc bài này chắc bạn cũng “hòm hòm” đoán được Python là gì rồi nhỉ. Tuy nhiên, bạn cần nhiều hơn về những thông tin liên quan đến Python. Nếu Python là ngôn ngữ lập trình thì nó có đặc điểm gì? Ứng dụng của nó ra sao? Học Python từ đâu? Bạn tiếp tục theo dõi các thông tin bên dưới nhé!
Đặc điểm của Python
Python được thiết kế với tư tưởng giúp người học dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ; vì thế ngôn ngữ Python có hình thức rất sáng sủa, cấu trúc rõ ràng, thuận tiện cho người mới học. Cấu trúc của Python cho phép người sử dụng viết mã lệnh với số lần gõ phím tối thiểu, nói cách khác thì so với các ngôn ngữ lập trình khác, chúng ta có thể sử dụng ít dòng code hơn để viết ra một chương trình trong Python.
Ban đầu, Python được phát triển để chạy trên nền Unix, vì thế nó là mã nguồn mở. Sau này qua thời gian phát triển, Python mở rộng và hiện nay đã hỗ trợ hầu hết các nền tảng khác như Window hay MacOS.
Python là một ngôn ngữ lập trình đa mẫu hình, nó hỗ trợ hoàn toàn mẫu lập trình hướng đối tượng và lập trình cấu trúc; ngoài ra về mặt tính năng, Python cũng hỗ trợ lập trình hàm và lập trình hướng khía cạnh. Nhờ vậy mà Python có thể làm được rất nhiều thứ, sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ứng dụng của Python
Python là ngôn ngữ được ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực.
- Làm Web với các Framework của Python: Django và Flask là 2 framework phổ biến hiện nay dành cho các lập trình viên Python để tạo ra các website.
- Tool tự động hóa: các ứng dụng như từ điển, crawl dữ liệu từ website, tool giúp tự động hóa công việc được các lập trình viên ưu tiên lựa chọn Python để viết nhờ tốc độ code nhanh của nó.
- Khoa học máy tính: Trong Python có rất nhiều thư viện quan trọng phục vụ cho ngành khoa học máy tính như: OpenCV cho xử lý ảnh và machine learning, Scipy và Numpys cho lĩnh vực toán học, đại số tuyến tính, Pandas cho việc phân tích dữ liệu, …
- Lĩnh vực IoT: Python có thể viết được các ứng dụng cho nền tảng nhúng, đồng thời cũng được lựa chọn cho việc xử lý dữ liệu lớn. Vì thế Python là một ngôn ngữ quen thuộc trong lĩnh vực Internet kết nối vạn vật
- Làm game: Pygame là một bộ module Python cross-platform được thiết kế để viết game cho cả máy tính và các thiết bị di động
Triết lý thiết kế Python?
Triết lý thiết kế của Python nằm trong câu châm ngôn: “chỉ nên có một và tốt nhất là chỉ một cách rõ ràng để làm việc này”. Thay vì việc tích hợp tất cả các tính năng vào phần cốt lõi, Python được thiết kế để dễ dàng mở rộng bằng các module, đồng thời trình thông dịch của Python cũng dễ dàng được mở rộng.
Nếu so về tốc độ độc lập, Python sẽ chậm hơn Java hay C, nhưng nếu bạn cần tốc độ, các bạn có thể chuyển các hàm đó sang các module mở rộng viết bằng C. Phần lõi của Python luôn hướng đến những cú pháp đơn giản, gọn gàng và sẽ luôn chứa chỉ một lời giải rõ ràng nhất cho bài toán của bạn.
Những thư viện và framework Python bạn nên biết
Thư viện Python
- Matplotlib: thư viện giúp hiển thị dữ liệu dưới dạng đồ họa (2D và 3D) cho các ứng dụng khoa học máy tính
- Pandas: thư viện giúp đọc, ghi, xử lý dữ liệu cho các tác vụ phân tích dữ liệu và machine learning
- NumPy: thư viện giúp thực hiện các phép toán đại số tuyến tính
- Requests: thư viện cung cấp các hàm hữu ích cho việc phát triển Web
- OpenCV: thư viện cho các tác vụ liên quan đến xử lý ảnh
- Keras: thư viện mạng Neural cho việc xử lý dữ liệu
Framework Python
- Django: framework fullstack phát triển ứng dụng Web trên quy mô lớn
- Flask: framework micro để phát triển các ứng dụng Web nhỏ
- TurboGears: framework phát triển Web
- Apache MXNet: framework xây dựng các ứng dụng Deep Learning
- Pytorch: framework xây dựng dựa trên thư viện Torch giúp xây dựng các ứng dụng NLP, xử lý ảnh, …
Các bước để bắt đầu tự học Python.
Như đã đề cập ở trên, Python là một ngôn ngữ lập trình dễ học và gần gũi với lập trình viên. Python dễ học nhưng lại có thể làm được rất nhiều thứ, vì thế trước khi bắt đầu bước vào thế giới Python, hãy lựa chọn cho mình hướng phát triển sau này.
Nếu muốn học Python để làm web, hãy tìm hiểu các framework như Django hay Flask; nếu muốn trở thành một Data Analyst, hãy tìm hiểu các thư viện phân tích dữ liệu sẵn có của Python.
Tiếp theo, bạn hãy bắt đầu bằng những project nhỏ để có thể training cú pháp, khái niệm, câu lệnh cơ bản của Python. Python cũng có hầu hết các kiểu dữ liệu cơ bản, các function trong các ngôn ngữ lập trình khác, dù vậy thì cách sử dụng, các case study tất nhiên sẽ khác nhau phụ thuộc vào từng bài toán mà bạn gặp phải.
Vì thế hãy luyện tập bằng cách giải quyết các bài toán lập trình bằng các project nhỏ, chúng sẽ giúp bạn không mất thời gian khi vào thực tế các project lớn hơn của bạn hay khách hàng.
Tập trung vào tìm hiểu các thư viện, module trong Python. Có thể nói mỗi thư viện của Python là một tập hợp các function xử lý hầu hết các bài toán trong một lĩnh vực nhất định – đấy cũng là điểm mạnh giúp Python khác biệt so với các ngôn ngữ khác. Vì vậy, việc nắm bắt, hiểu rõ các function trong một thư viện là điều bắt buộc nếu bạn muốn làm việc với Python.
Chẳng hạn nếu bạn sử dụng thư viện OpenCV để xử lý ảnh trong Python, gần như tất cả các giải thuật về xử lý ảnh đã được tích hợp trong đó, bạn chỉ cần gọi hàm, truyền tham số và sử dụng. Hiểu đúng về giải thuật cũng như tham số truyền vào sẽ giúp bạn sử dụng đúng và hiệu quả để giải quyết bài toán của mình.
Kết bài
Với Python, bạn có thể làm được tất cả mọi thứ – đây là câu mô tả không hề quá khi nói về ngôn ngữ lập trình này. Hy vọng bài viết này đã mang lại cho các bạn những thông tin hữu ích để trả lời cho câu hỏi Python là gì? và nếu có dự định trở thành một lập trình viên Python, đừng bỏ qua các bước tự học Python ở trên. Cảm ơn các bạn đã đọc, hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình.
Bài viết được đăng trên blog TopDev