Theo khảo sát dành cho các lập trình viên hàng năm của Stack Overflow (Stack Overflow Developer Survey) thì trong 2 năm trở lại đây, JavaScript là ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay. Mức phổ biến của JavaScript (JS) khiến cho nhu cầu tuyển dụng lập trình viên về ngôn ngữ này trở nên rất lớn trong những năm trở lại đây. Nếu bạn cũng đang có dự định chuẩn bị cho việc cuộc phỏng vấn tuyển dụng vị trí lập trình viên JS, bài viết này sẽ dành cho bạn. Chúng ta cùng nhau đi qua top 10 những câu hỏi phỏng vấn về JavaScript phổ biến nhất nhé.
Câu 1: JavaScript là gì? Nó thường sử dụng để làm gì?
Đây là câu hỏi cơ bản mà thường để bắt đầu phỏng vấn chuyên môn thì nhà tuyển dụng sẽ hay hỏi. Tất nhiên nếu bạn apply vào vị trí Senior thì sẽ không nhà tuyển dụng nào hỏi câu này đâu, mặc dù vậy hãy nên chuẩn bị kiến thức chuẩn chỉnh 1 chút để trả lời câu này nhé.
JavaScript là 1 ngôn ngữ lập trình thông dịch dựa trên nguyên mẫu (prototype-based) với cú pháp phát triển từ C. JS được phát triển bởi Netscape từ tháng 5 năm 1995, đến hiện nay nó đã được sử dụng rộng rãi cho các trang web ở cả phía người dùng (client) và phía máy chủ (server) sử dụng NodeJS. Ban đầu, JS được tạo ra để giúp các trang web có thể tương tác 1 cách linh hoạt hơn với người dùng; sau này với sự phát triển của nó, các nhà phát triển JS đã tạo ra nhiều thư viện, framework khác nhau giúp JS có thể chạy bên ngoài trình duyệt, đồng thời có thể hoạt động được ở cả client và server.
Câu 2: ECMAScript là gì?
ECMAScript là 1 chuẩn hóa của các ngôn ngữ client-side cho Jscript, JavaScript, ActionScript. Trước đây khi các ngôn ngữ kịch bản được ra đời thì nó chỉ được hỗ trợ riêng cho các trình duyệt nhất định, ví dụ như JavaScript cho trình duyệt Netscape Navigator, Jscript hỗ trợ Internet Explorer, … Để các web có thể chạy được cùng lúc trên nhiều trình duyệt khác nhau thì ECMAScript ra đời như 1 tiêu chuẩn giải quyết vấn đề trên.
Phiên bản ECMA thứ 6 (ES6) hay ECMA2015 ra mắt năm 2015 bổ sung thêm các cú pháp mới quan trọng liên quan đến class, module hay function; đây là phiên bản được sử dụng rộng rãi hiện nay (hoặc các bản update sau) trong các dự án.
Câu 3: Những tính năng mới trong ES6
Có tương đối nhiều update về tính năng trong phiên bản ES6, bạn có thể nêu càng nhiều càng tốt; tuy vậy hãy cố gắng nắm được 1 vài điểm sau:
- Arrow Function: cú pháp viết function sử dụng mũi tên (arrow) giúp viết code gọn và clear hơn
- Default Parameters: sử dụng phép gán giá trị mặc định ngay ở vị trí khai báo tham số cho function
- Rest Parameters: giúp truyền tham số vào 1 hàm mà không cần khai báo clear từ đầu hay bị giới hạn số lượng tham số
- Let và Var: khai báo biến sử dụng let để xác định phạm vi hoạt động trong 1 khối
- Template Literals: hiển thị chuỗi string chứa biến sử dụng cặp dấu “ (backtick)
- Promise: xử lý các vấn đề bất đồng bộ (lưu ý là async/await mới được bổ sung từ ES7 nhé)
Câu 4: Các kiểu dữ liệu trong JavaScript
Trong JS, có 6 kiểu dữ liệu nguyên thủy (primitive data type) bao gồm: undefined, boolean, number, string, bigint và symbol. Kiểu dữ liệu còn lại được gọi là kiểu dữ liệu tham chiếu (reference data types), bao gồm object, array và function (lưu ý là trong JS thì mọi thứ được đều thuộc loại object).
Điểm khác nhau cơ bản giữa 2 kiểu dữ liệu này là cách lưu trữ dữ liệu lên bộ nhớ: với dữ liệu nguyên thủy, giá trị thực của biến sẽ được lưu trữ trực tiếp; ngược lại với kiểu dữ liệu tham chiếu thì các object sẽ chứa các địa chỉ bộ nhớ (tham chiếu) đến 1 vị trí khác trong bộ nhớ.
Câu 5: “this” trong JS là gì?
“this” trong JS được dùng để đại diện cho 1 object – Object ở đây là đại diện cho chủ thể của ngữ cảnh và nó phụ thuộc vào lúc runtime chứ không phải lúc khởi tạo. Hiểu đơn giản hơn thì “this” đóng vai trò là 1 con trỏ, trỏ đến chính object gọi hàm đó.
Về bản chất thì 1 function bất kỳ đều có property giống như object; khi chúng ta thực thi 1 function, nó sẽ có property “this” chứa item của object đang gọi đến function đó.
Câu 6: Promise trong JS là gì?
Promise là 1 đối tượng được sử dụng cho tính toán bất đồng bộ, nó đại diện cho 1 tiến trình hay 1 tác vụ chưa thể hoàn thành ngay được. Trong tương lai, 1 Promise sẽ trả về giá trị hoặc là được giải quyết (resolve) hoặc là bị từ chối (reject). Promise ra đời nhằm giải quyết vấn đề callback hell trong các tác vụ cần chờ kết quả từ 1 hành động chưa xác định ngay được kết quả như call API lên server.
Với ES7 trở đi, chúng ta có thể sử dụng async/await để tạo 1 Promise ngắn gọn và clear hơn.
Câu 7: Những method để truy cập đến phần tử HTML trong JS
Có 1 số method cho việc truy cập đến các phần tử trên DOM như sau:
- getElementById(): lấy 1 element thông qua id
- getElementByClass(): lấy 1 element thông qua class
- getElementsByTagName(): lấy 1 element bằng tên của tag name
- querySelector(): function css style selector và sẽ trả về giá trị đầu tiên
Câu 8: Sự khác nhau giữa forEach và map
.forEach là vòng lặp dựa vào các phần tử có trong mảng, nó sẽ thực hiện callback trong mỗi vòng lặp và không trả về giá trị.
.map cũng xử lý vòng lặp dựa vào các phần tử có trong mảng, tuy vậy khác với forEach thì nó sẽ trả về giá trị để tạo ra 1 mảng với dựa trên các giá trị trong vòng lặp.
Câu 9: Kể tên 1 số pattern thường dùng trong lập trình JS
Design pattern là các phương pháp để giải quyết vấn đề thường gặp mà có thể tái sử dụng được. Với JS, có 1 vài pattern nổi tiếng như:
- Module Pattern: 1 kiểu đóng gói code trong JS hay giả lập tính chất đóng gói của hướng đối tượng
- Revealing Module Pattern: 1 phiên bản nâng cấp của Module Pattern với việc tạo ra các public function để gọi tới các private function và variables
- Singleton Pattern: tạo ra những object chỉ khởi tạo 1 lần duy nhất giúp tối ưu bộ nhớ
- Factory Pattern: tạo ra các object mà không cần chỉ định rõ chính xác class hay constructor nào
- Decorator Pattern: sử dụng để mở rộng chức năng của 1 object mà không làm thay đổi class hay hàm hiện tại.
Câu 10: Kể tên 1 số framework, thư viện hay dùng của JS
1 số thư viện và framework về UI phổ biến hiện nay:
- React
- Angular
- Vue
- Antd
- JQuery
1 số thư viện hữu ích:
- Moment.js: thư viện xử lý datetime
- Lodash: cung cấp các hàm tiện ích cho các tác vụ lập trình bằng cách sử dụng mô hình lập trình hàm
- Chart.js: trực quan hóa dữ liệu, dựng biểu đồ
Trên đây là danh sách 10 câu hỏi phổ biến khi phỏng vấn tuyển dụng vị trí JavaScript mà mình tổng hợp được. Còn rất nhiều câu hỏi khác liên quan đến kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm làm việc của bạn. Vì vậy hãy cố gắng nắm vững kiến thức cơ bản về JS và điều đó sẽ giúp bạn tự tin hơn trong cuộc phỏng vấn sắp tới. Hy vọng bài viết hữu ích dành cho bạn, và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình.
Bài viết đăng tải trên blog TopDev