Web Developer là những lập trình viên tạo ra các ứng dụng Web có thể chạy được trên các trình duyệt website. Để xây dựng được một ứng dụng Web thì cần có nhiều phần khác nhau, đòi hỏi sự tham gia của nhiều lập trình viên với các kỹ năng khác nhau, cũng vì thế mà khái niệm Web Developer khá là rộng và dùng cho nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau. Bài viết hôm nay mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu về ngành này cũng như lộ trình học để trở thành một Web Developer nhé.
Web Developer là gì?
Lập trình viên Web là những người sử dụng ngôn ngữ lập trình để xây dựng, phát triển, vận hành và bảo trì các website, ứng dụng trên nền tảng web và chạy với các trình duyệt web. Có nhiều ngôn ngữ cùng thư viện đa dạng mà các Web Developer có thể sử dụng: từ Java, JavaScript đến C, Python, Ruby, …
Một website cơ bản thông thường được chia thành 2 phần chính bao gồm phần hiển thị với khách hàng (gọi là clientside) và phần xử lý dữ liệu, tiếp nhận yêu cầu trả về kết quả (gọi là server side). Cũng vì thế mà khi nhắc đến Web Developer thì thường sẽ chia ra làm 3 công việc chính, bao gồm:
- Frontend Developer: thiết kế, xây dựng giao diện người dùng ở phía client
- Backend Developer: xây dựng ứng dụng chạy trên server tiếp nhận xử lý yêu cầu gửi đến từ client, thực hiện đọc ghi dữ liệu cập nhật vào cơ sở dữ liệu (database) và trả về kết quả
- Full Stack Developer: đây là những lập trình viên có thể làm được cả 2 công việc Frontend và Backend trong cùng 1 dự án phát triển Web. Có thể sử dụng một vài ngôn ngữ lập trình cùng lúc để viết code xuyên suốt cả 2 bên trong dự án.
Những kỹ năng cần có của một Web Developer
Như đã nói ở trên, Web Developer được chia thành nhiều vị trí khác nhau trong một dự án phát triển, vì thế với mỗi vai trò sẽ cần những kỹ năng cụ thể khác nhau. Tất nhiên cũng có những kỹ năng mà bất cứ lập trình viên Web nào cũng nên được trang bị, cụ thể:
- Kiến thức cơ bản về web: những khái niệm liên quan đến Internet về hosting, domain, dns, http, … hay cách trình duyệt (browsers) hoạt động là những kiến thức cơ bản nhất của hệ thống Web mà bất cứ lập trình viên làm Web nào cũng cần nắm vững. Chúng ta cũng hiểu rõ phương thức giao tiếp giữa client và server trong hệ thống sẽ làm, thông thường là thông qua cách gọi API, gửi request và nhận response cùng với các phương thức giao tiếp hỗ trợ.
- Ngôn ngữ lập trình, quản lý source code: Lập trình viên thì đương nhiên là sẽ viết code, tùy vào phần dự án bạn tham gia mà sẽ cần trang bị kiến thức lập trình tương ứng. HTML, CSS, JS với Frontend, Java, C#, Ruby, PHP … với Backend. Cùng với đó, kỹ năng quản lý source code bằng các tool như Git, SVN là điều bắt buộc để có thể tham gia vào bất cứ dự án nào.
- Sử dụng các tool làm việc với API và Database: dữ liệu trong ứng dụng Web sẽ được lưu vào cơ sở dữ liệu, vì thế bạn cần biết cách thao tác với Database thông qua các câu query SQL hoặc với các hệ thống noSQL. Cùng với đó là để kiểm tra cách giao tiếp giữa Frontend và Backend thì bạn cần biết cách sử dụng tool như Postman để có thể gọi thử API.
- Kiến thức về nghiệp vụ: mỗi ứng dụng web được tạo ra đều có mục đích sử dụng hay giải quyết một vấn đề cụ thể cho khách hàng. Chẳng hạn một bệnh viện cần tạo ra hệ thống đặt khám cho người bệnh, một cửa hàng cần website bán đồ trực tuyến, … Để lập trình bạn cần hiểu về nghiệp vụ, về business logic của hệ thống, từ đó mới viết ra được những dòng code phù hợp, tạo ra được hệ thống hữu ích.
- Kỹ năng làm việc nhóm: đây là điều rất quan trọng với mọi lập trình viên, càng quan trọng hơn khi gần như Web Developer sẽ làm việc nhóm trong một dự án. Việc giao tiếp, đọc hiểu, cùng giải quyết vấn đề để đảm bảo lợi ích của dự án là điều quan trọng và cũng không hề dễ dàng để học.
Lộ trình trở thành Web Developer
Dựa trên những kỹ năng cần có của một Web Developer, để trở thành lập trình viên Web, bạn hãy trang bị các kiến thức cơ bản chung về ngành ở bước đầu tiên bao gồm kiến thức về ngành, về Internet, về lập trình, quản lý code hay sử dụng các tool làm việc như Postman, DevTool trên Chrome, IDE Visual Studio Code, MySQL tools, …
Bước tiếp theo, hãy chọn cho mình một trong 2 hướng để bắt đầu, làm Frontend hoặc Backend. Kể cả với những bạn có mong muốn trở thành một Fullstack Developer thì việc chọn 1 hướng trước tiên cũng là điều quan trọng. Khi xác định được hướng đi, bạn sẽ học những ngôn ngữ lập trình, thư viện hay framework tương ứng. Ví dụ Frontend chúng ta bắt buộc phải biết HTML, CSS, JS ở mức thành thạo; sau đó có thể tìm hiểu chuyên sâu hơn về một trong các thư viện như React, Angular, VueJS, … để có thể làm việc. Ngược lại Backend thì sẽ bắt buộc phải nắm được về ngôn ngữ lập trình như Java, PHP, Ruby, JavaScript, … cùng với hiểu biết về database, các hệ quản trị cơ sở dữ liệu như MySQL, Oracle, MongoDB,…
Có một ngôn ngữ giúp chúng ta sớm trở thành Fullstack Developer hơn chính là JavaScript (JS), nó có thể làm được cả Frontend và Backend (sử dụng NodeJS); vì thế bạn có thể cân nhắc hướng đi này. Mặc dù vậy mình vẫn có lời khuyên là hay chuyên vào một mảng trước khi có mong muốn làm tốt cả hai thứ và trở thành một Fullstack Web Developer.
Một vài gạch đầu dòng những kỹ năng, kiến thức cần học thêm cho từng hướng mà bạn có thể tham khảo nhé:
Với Frontend:
- Framework: React, Angular, Vue.js, Svelte
- Package Manager: npm, yarn, pnpm
- Formatters: ESLint, Prettier
- Module Bundlers: Webpack, Vite
- CSS framework: Material, Tailwind
- Mobile, Desktop application
- GraphQL
- SSR, SSG
Với Backend:
- Relational Databases: PostgreSQL, MySQL, Oracle
- NoSQL Databases: MongoDB, Firebase
- Kiến thức chuyên sâu về databases: Transactions, Normalization, ACID
- Kiến thức về OS (hệ điều hành): quản lý memory, input/output
- APIs: REST, JSON APIs, SOAP, GraphQL
- Security: MD5, bcrypt, scrypt
Sau những kiến thức chuyên sâu hơn về cả Frontend và Backend thì bạn có thể trở thành Fullstack Web Developer; lúc đấy công việc của chúng ta sẽ bao gồm việc thiết kế và xây dựng lên những kiến trúc hệ thống Web đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Kết bài
Với tốc độ phát triển của Internet, nhu cầu số hóa hiện nay thì gần như tất cả các thông tin đều được đưa lên Internet và thông qua các ứng dụng website để tương tác với người dùng. Vì vậy Web Developer đang là một ngành nghề rất hot trong thời gian vừa qua cũng như thời gian sắp tới. Nếu có dự định trở thành lập trình viên Web, hãy bắt đầu ngay từ những kiến thức mình đã đưa ra trong bài nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc bài, hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo của mình
Bài viết đăng trên blog TopDev
https://topdev.vn/blog/web-developer-la-gi-lo-trinh-de-tro-thanh-web-developer