Theo số liệu từ trang LinkedIn – trang mạng xã hội cho doanh nghiệp và thị trường việc làm lớn nhất thế giới, số lượng tin tuyển dụng Java đang đứng thứ 2 chỉ sau tin tuyển dụng Python trên hai thị trường Mỹ và Châu Âu.
Vậy Java Developer là gì? Lộ trình để trở thành một Java Developer đáp ứng được nhu cầu của thị trường việc làm hiện nay? Bài viết này mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu và trả lời cho hai câu hỏi trên nhé.
Java là gì?
Ngôn ngữ lập trình Java được ra đời từ những năm 1990 bởi các lập trình viên đến từ Sun. Nó được tạo ra với phương châm: “Viết code một lần, chạy ở mọi nơi”. Để làm được điều này, đội ngũ phát triển đã tạo ra một máy ảo (Java Virtual Machine – JVM); nhiệm vụ của nó là biên dịch mã nguồn thành bytecode và chạy chương trình. Từ đó thì bạn có thể đem mã nguồn của mình và chạy trên bất cứ môi trường nào, từ Window, Linux, MacOS, … miễn là nó được cài JVM.
Ưu điểm của Java:
- Java được kế thừa trực tiếp từ C/C++, dễ tiếp cận và có thể học được nhanh chóng nếu đã có kiến thức về lập trình cơ bản
- Hiệu suất đáp ứng cao nên được sử dụng cho rất nhiều hệ thống có quy mô lớn.
- Có thể sử dụng Java để viết ứng dụng chạy trên nhiều nền tảng khác nhau từ PC, Web đến Mobile và các hệ thống nhúng
Java Developer là gì?
Chắc hẳn bạn đã tự hình dung được khái niệm Java Developer là gì rồi. Cũng như các ngôn ngữ khác, lập trình viên Java là những người sử dụng ngôn ngữ lập trình để tạo ra các ứng dụng, phần mềm hay các trang web.
Đặc thù Java Developer
Ngoài những yếu tố chung, kỹ năng mà bất cứ một lập trình viên nào cũng phải có là khả năng học hỏi, tìm tòi, kỹ năng làm việc teamwork, … Java Developer có những đặc thù khác như sau:
- Java có thể viết được ở cả Frontend và Backend, vì thế nên Java Developer có thể trở thành một Fullstack Developer. Mặc dù vậy thì thực tế trong các dự án, Java thường được chọn để chuyên xử lý dữ liệu cho phía BE nhiều hơn.
- Java là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng – 1 khái niệm mà bạn chắc chắn phải biết khi học Java và lập trình hướng đối tượng OOP. Trong các khóa học về OOP, Java gần như là ngôn ngữ mặc định được sử dụng để học và thực hành. Ngoài ra khi viết Java, các bạn cũng sẽ được giới thiệu về các pattern quen thuộc nhất như MVC, MVP.
- Các framework nổi bật của Java: nổi bật nhất là hệ sinh thái Spring (Spring còn có framework dành cho việc phát triển cloud service là Spring Cloud), ngoài ra còn có các framework như Hibernate, Struts dành cho phát triển Web. Trên desktop thì chúng ta có Java Swing hay Java SWT. Với mobile, Java là ngôn ngữ chính để phát triển các ứng dụng Android của Google.
Định hướng phát triển dành cho Java Developer
Nhờ sự đa dạng về khả năng phát triển, hệ sinh thái hỗ trợ nên Java Developer có thể là được rất nhiều thứ , có thể thoải mái lựa chọn định hướng cho mình:
- Phát triển ứng dụng độc lập: các ứng dụng chạy trên nền desktop dành cho các cơ quan, tổ chức, ví dụ như phần mềm quản lý nhân sự nội bộ, chấm công, …
- Phát triển web: như đã đề cập ở trên, Java có thể viết được cả FE và BE cho các ứng dụng web, vì thế nên bạn có thể tự tin hoàn thiện các website từ đơn giản đến phức tạp bằng Java.
- Ứng dụng doanh nghiệp: là những ứng dụng lớn đòi hỏi yêu cầu về lượng truy cập, hiệu năng và tính ổn định, tính bảo mật cao. Java với sự tối ưu của mình giúp nó được lựa chọn để xây dựng các Enterprise Application chuyên dụng.
- Làm mobile app: Ngoài Android, Java ME cũng là 1 lựa chọn để phát triển các ứng dụng mobile và thiết bị nhúng sử dung Java. Với các thiết bị hạn chế về khả năng xử lý, giới hạn nguồn điện thì Java ME là một lựa chọn tốt để lập trình các ứng dụng.
- Automation Testing: Đừng bất ngờ vì điều này, nếu không quá bắt bẻ thì kiểm thử tự động cũng được xem như là 1 lập trình viên để tạo ra các phần ứng dụng kiểm tra. Nếu bạn là 1 lập trình viên mà lại yêu thích việc kiểm thử, Java sẽ giúp bạn với công cụ Selenium. Trở thành 1 Automation Tester là 1 định hướng hoàn toàn khả thi cho bạn.
Lộ trình để trở thành Java Developer
Để trở thành lập trình viên Java, trước tiên bạn hãy xác định định hướng cụ thể cho mình. Trong phần này mình sẽ chỉ đề cập đến lộ trình để trở thành 1 Backend Java Developer với framework phổ biến nhất hiện nay là Spring/ Spring Boot.
Hãy học tốt những kiến thức cơ bản dưới đây
- Cú pháp ngôn ngữ lập trình Java
- Khai báo biến, các kiểu dữ liệu
- Các khối câu lệnh điều kiện, vòng lặp: if else, switch case, for, while, …
- Cấu trúc dữ liệu trong Java
- Tìm hiểu về OOP: các khái niệm, đặc trưng, class, interface, …
- Các gói (packages) trong Java: Java Util, Java Datetime, Java SQL, …
- Cách làm việc với File, giao tiếp thông qua API
- Xử lý các ngoại lệ: runtime error như ClassNotFoundException, IOException, SQLException, RemoteException
Đi sâu hơn vào các đặc trưng của Java
- Tìm hiểu về JVM, cách nó hoạt động
- Garbage Collection hay Memory Management: cách quản lý bộ nhớ, tạo và giải phóng bộ nhớ lưu trữ các biến trong Java
- Serialization: cách chuyển đổi trạng thái object trong Java về các dạng data có thể lưu trữ và truyền tải
- Networking, Socket: cơ chế mạng trong Java, cách kết nối hay thiết lập mạng giữa các thiết bị
- Thread (luồng), multi thread (đa luồng) trong Java
- Stream: một bổ sung từ Java 8 cho việc tăng tốc độ xử lý dữ liệu lớn
Sau khi tìm hiểu đến những khái niệm trên thì bạn có thể tự tin với những kiến thức về Java của mình. Cùng đi sâu vào framework để học và thực hành trên những dự án thực tế
Làm việc với Spring/ Spring Boot
- Hãy tìm hiểu Spring – một framework cho việc phát triển ứng dụng Web của Java
- Spring Boot: giúp cho việc đơn giản hóa các bước cấu hình trong Spring
Để làm Web (nhất là BE), chúng ta cũng không thể thiếu những kiến thức dưới đây:
- Cách viết API, REST APIs trong Spring: từ CRUD đơn giản đến các microservices
- Tương tác Database: kết nối, truy vấn, đồng bộ. Bạn nên tìm hiểu cả SQL và no SQL vì đơn giản là Java Spring được sử dụng cho cả 2 loại này nhờ khả năng xử lý dữ liệu của nó
- Java logging framework: SLF4FJ, TinyLog giúp bạn lưu lại các trạng thái, các lỗi hay nhật ký của hệ thống mà bất cứ BE nào cũng cần.
- Testing: viết test được cho ứng dụng của bạn cũng sẽ giúp bạn trở lên chuyên nghiệp hơn và có khả năng học hỏi nhiều hơn.
Đến đây thì bạn có thể trở thành một keymember trong dự án Java của mình rồi. Sẽ còn nhiều thứ phải học hỏi và tìm hiểu, nhất là về kiến trúc Web và các cấu hình thiết kế để xây dựng hệ thống chuyên nghiệp sử dụng Java nói chung và Spring nói riêng.
Lời kết
Nhu cầu tuyển dụng lập trình viên Java hiện nay rõ ràng là đang rất lớn, chính vì thế việc trở thành lựa chọn Java làm ngôn ngữ cho việc lập trình là một lựa chọn hợp lý cho hiện tại và nhiều năm nữa trong tương lai.
Bài viết này hy vọng đã đem đến cho các bạn một cái nhìn chi tiết về Java Developer là gì, cũng như lộ trình rõ ràng để trở thành một Java Developer trong tương lai. Cảm ơn các bạn đã đọc và ủng hộ, hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của mình.
Bài viết đăng trên blog TopDev
https://topdev.vn/blog/java-developer-la-gi-lo-trinh-java-developer/
Bình luận