MySQL là một hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu mã nguồn mở (RDBMS) hoạt động theo mô hình client-server ; phổ biến nhất thế giới và được các lập trình viên, nhà phát triển hệ thống, ứng dụng rất ưa chuộng. MySQL gần như trở thành một kiến thức bắt buộc phải có với 1 lập trình viên muốn trở thành Backend Developer, nó cũng được sử dụng để giảng dạy trong hầu hết các khóa học liên quan đến việc thao tác với cơ sở dữ liệu (Databases). Hôm nay mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu về hệ thống này và lộ trình học MySQL cho công việc của 1 lập trình viên nhé.
Các khái niệm hệ thống cơ sở dữ liệu
- Database: là tập hợp dữ liệu theo cùng 1 cấu trúc, nơi chứa và sắp đặt dữ liệu
- RDBMS: hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ, cho phép bạn triển khai 1 Database với các bảng dữ liệu, cột(column), chỉ mục(index); thông dịch 1 truy vấn SQL và tổ hợp thông tin từ các bảng khác nhau.
- SQL: ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc, phục vụ việc lưu trữ và xử lý thông tin trong cơ sở dữ liệu quan hệ.
Như vậy MySQL là 1 RDBMS giúp chúng ta triển khai được 1 database, và sử dụng các câu lệnh SQL để thực hiện việc đọc, ghi, truy vấn cơ sở dữ liệu. MySQL là mã nguồn mở được thiết kế bởi 1 công ty phần mềm Thụy Điển có tên là MySQL AB từ những năm 1995; hiện tại thì nó đang được sở hữu bởi Oracle do các thương vụ mua lại vào năm 2008 và 2010. MySQL làm việc được trên nhiều hệ điều hành và với hầu hết các ngôn ngữ lập trình hiện nay từ PHP, Java, C, JS, Python … chính vì thế nó rất phổ biến và được sử dụng cho nhiều công ty, tập đoàn từ lớn đến nhỏ.
MySQL là 1 công cụ giúp bạn tạo ra cơ sở dữ liệu và thao tác với nó, tất nhiên trong 1 hệ thống thì không thể chỉ tồn tại MySQL, nó cần những thành phần khác để kết nối và sử dụng. Vì thế trước khi bắt đầu học MySQL, bạn hãy chắc chắn rằng mình đã trang bị 1 số kiến thức về frontend cũng như backend để giao tiếp với MySQL. Tiếp theo chúng ta sẽ cùng đi cùng bước trong lộ trình học MySQL:
Cài đặt, thiết lập môi trường và thao tác với Database
Bạn có thể dễ dàng tải MySQL từ trang chủ và cài đặt khá dễ dàng trên nhiều nền tảng Window, MacOS hay Linux. MySQL có cung cấp cho các bạn 1 số tool, ứng dụng để thao tác với database 1 cách trực quan, tuy nhiên khi ban đầu học MySQL, 1 lời khuyên cho bạn là hãy sử dụng command lines để học và nhớ các lệnh cần thiết.
Hãy thử và ghi nhớ các thao tác lệnh cơ bản với database thông qua MySQL như dưới đây:
- Tạo database: CREATE DATABASE Ten_co_so_du_lieu;
- Xóa database: DROP DATABASE ten_co_so_du_lieu;
- Tạo bảng: CREATE TABLE ten_bang (ten_cot kieu_du_lieu_cucot);
- Xóa bảng: DROP TABLE ten_bang;
- Chèn dữ liệu vào bảng: INSERT INTO ten_bang ( truong1, truong2,…truongN ) VALUES ( giatri1, giatri2,…giatriN );
- Lấy dữ liệu: SELECT truong1, truong2,…truongN FROM ten_bang
- Xóa dữ liệu: DELETE FROM ten_bang [Menhde WHERE]
Kết nối MySQL
MySQL cung cấp các hàm mysql_connect để mở kết nối tới cơ sở dữ liệu dành cho từng ngôn ngữ lập trình khác nhau. Trong đó các tham số dùng chung bạn cần lưu ý:
- Server: hostname đang chạy database server, mặc định sẽ dùng port 3306
- User/Passwd: thông tin tài khoản đăng nhập
- Client_flags: 1 số config mặc định của MySQL như MYSQL_CLIENT_SSL, MYSQL_CLIENT_COMPRESS, MYSQL_CLIENT_IGNORE_SPACE, MYSQL_CLIENT_INTERACTIVE
Sau khi kết nối thành công, bạn có thể tương tác với cơ sở dữ liệu trong MySQL, thực hiện các câu lệnh truy vấn từ ứng dụng của bạn. Để đóng kết nối đến MySQL, chúng ta sử dụng function mysql_close.
Đến bước này chúng ta đã sẵn sàng với MySQL, có thể tạo ra ứng dụng thực tế để chạy và học nó. Bước tiếp theo hãy đi vào kiến thức cơ bản về ngôn ngữ SQL cũng như MySQL.
MySQL cơ bản
Kiểu dữ liệu
Kiểu dữ liệu trong MySQL: có 3 loại cơ bản là kiểu số, kiểu datetime và kiểu chuỗi
- Kiểu số: INT, TINYINT, SMALLINT, MEDIUMINT, BIGINT, FLOAT(M,D), DOUBLE(M,D), DECIMAL(M,D)
- Kiểu datetime: DATE, DATETIME, TIMESTAMP, TIME, YEAR(M)
- Kiểu chuỗi: CHAR(M), VARCHAR(M), BLOB, TINYBLOB, MEDIUMBLOB, LONGBLOB, TEXT, TINYTEXT, MEDIUMTEXT, LONGTEXT, ENUM
Hãy cố gắng nắm rõ các loại dữ liệu này, với bài toán thực tế khi mà database của bạn có hàng triệu bản ghi thì việc 1 field chuyển được từ INT xuống thành TINYINT giúp size database của bạn giảm xuống được rất nhiều.
Các câu lệnh truy vấn
SQL viết tắt của Structured Query Language – ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc, nó là 1 ngôn ngữ, là tập hợp các lệnh để tương tác với cơ sở dữ liệu. SQL là ngôn ngữ chuẩn được sử dụng hầu hết cho hệ cơ sở dữ liệu quan hệ, vì thế muốn học MySQL thì bạn bắt buộc phải học SQL.
Các lệnh SQL tiêu chuẩn để tương tác với cơ sở dữ liệu quan hệ là CREATE, SELECT, INSERT, UPDATE, DELETE và DROP, về bản chất chúng được chưa thành 3 nhóm:
- Định nghĩa dữ liệu: CREATE, ALTER, DROP
- Thao tác dữ liệu: SELECT, INSERT, UPDATE, DELETE
- Điều khiển dữ liệu: GRANT, REVOKE
Trong 1 câu query SQL (truy vấn đơn) thì không chỉ sử dụng dữ liệu trong 1 bảng, vì thế bạn cũng cần tìm hiểu sử dụng JOIN 1 cách hiệu quả. Ngoài ra các từ khóa khác phục vụ cho từng bài toán cụ thể thì SQL cũng cung cấp cho chúng ta như WHERE, LIKE, ORDER BY, GROUP BY, …
Transaction trong MySQL
Transaction là 1 đơn vị công việc được thực hiện bởi 1 database; hiểu đơn giản thì đó là thì bạn sẽ gộp nhiều truy vấn SQL vào thành một nhóm và thực thi tất cả chúng cùng nhau. Nếu trong 1 transaction có hoạt động riêng nào đó thất bại thì toàn bộ transaction đó sẽ thất bại.
Transaction quan trọng tương tự như Promise trong ngôn ngữ lập trình, nó bắt đầu với lệnh BEGIN WORK và kết thúc với hoặc 1 lệnh COMMIT (khi thành công) hoặc lệnh ROLLBACK (khi thất bại). Transaction đảm bảo rằng database của bạn được thay đổi 1 cách chính xác và không bị ảnh hưởng từ các yếu tố khác chen vào giữa.
Đến đây các bạn có thể tự tin với các kiến thức về MySQL của mình để làm việc trong các dự án thực tế và phục vụ cho công việc. Bước tiếp theo hãy cố gắng tìm hiểu những kiến thức nâng cao hơn về MySQL.
MySQL nâng cao
MySQL nâng cao là những kỹ thuật, khái niệm được MySQL định nghĩa ra để chúng ta sử dụng nhằm giải quyết các bài toán khó, đặc thù, hay thao tác với dữ liệu lớn. Có thể kể ra ở đây 1 số kỹ thuật mà các bạn nên tham khảo:
- View: tác dụng như 1 bảng ảo với các fields và records tự định nghĩa giúp tăng tốc độ truy vấn dữ liệu từ database
- Stored Procedure: các hàm xử lý điều kiện (IF ELSE, SWITCH CASE) hay xử lý chuỗi (replace, concat, count), … giống hệt như ngôn ngữ lập trình viết ngay trong câu truy vấn của MySQL. Nó giúp tăng hiệu suất của ứng dụng, giảm thời gian giao tiếp với database nếu bạn biết sử dụng đúng cách.
- Index: là dữ liệu có cấu trúc B-Tree giúp cải thiện tốc độ tìm kiếm trên 1 bảng và giảm chi phí thực hiện truy vấn. Thực tế thì kỹ thuật này áp dụng ngay từ lúc bạn học MySQL cơ bản, tuy nhiên để đào sâu và tận dụng nó thì có rất nhiều thứ cần tìm hiểu.
- Full Text Search: kỹ thuật tìm kiếm các tài liệu không phù hợp với tiêu chí tìm kiếm. Nó được sử dụng phổ biến nhất khi tìm kiếm file hay các tài liệu kích thước lớn, được sử dụng rất nhiều bởi các công cụ tìm kiếm như Google, Bing
- Trigger: trình kích hoạt được sử dụng để thực hiện 1 hành động nào đó khi có tác động theo thiết lập từ trước. Kỹ thuật này cũng tương tự như trong ngôn ngữ lập trình, giúp các bạn thêm các hoạt động ngầm tác động trực tiếp lên database khi có điều kiện nhất định xảy ra.
Còn rất nhiều các kỹ thuật, kiến thức khác trong MySQL mà các bạn có thể tìm hiểu và học thêm. Khi đã khá thành thạo và quen thuộc với MySQL nói riêng cũng như 1 hệ quản trị cơ sở dữ liệu nào đó, nếu xác định trở thành 1 Database Developer, bạn có thể cân nhắc 2 hướng:
- Đi thiên về kỹ thuật: trở thành Data Architect – thiết kế ra các cơ sở dữ liệu cho doanh nghiệp; nhất là trong thời kỳ hiện nay với AI và BigData thì vị trí này đang trở nên rất cần thiết.
- Theo thiên hướng quản lý: trở thành PM, BA – việc nắm được kiến thức SQL giúp bạn có thể hỗ trợ được rất nhiều cho cả team Dev và team Tester trong dự án làm việc.
Kết bài
Qua bài viết này chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về lộ trình học MySQL, cũng có rất nhiều kiến thức để học và tìm hiểu tương tự như 1 ngôn ngữ lập trình nào. Nếu muốn trở thành 1 MySQL Developer, hãy bắt đầu học và làm thử từng bước như trên nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc và hẹn gặp lại trong các bài viết sau của mình.
Bài viết được đăng lên blog TopDev: https://topdev.vn/blog/cau-hoi-phong-van-system-admin/
Bình luận