Unity là một công cụ phát triển game đa nền tảng được phát triển bởi Unity Technologies từ những năm 2005, hiện nay nó đã dần trở thành một game engine phổ biến nhất trên thế giới. Unity Developer – lập trình viên Unity đang là 1 lựa chọn tiềm năng của các bạn có đam mê với game và muốn sử dụng kĩ năng lập trình của mình để tạo ra được những ứng dụng game sáng tạo và hấp dẫn. Bài viết hôm nay mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu sâu hơn về ngành nghề này, và cần học những gì để có thể trở thành 1 lập trình viên Unity nhé.
Unity Engine là gì?
Unity Engine là 1 cross-flatform game engine sử dụng để phát triển game trên nền tảng PC, consoles, websites và các thiết bị di động.
Hầu hết các nền tảng chơi game phổ biến hiện nay đều được Unity hỗ trợ, bao gồm: mobile (Android, iOS, WindowPhone), PC (Window, MacOS), Consoles (Nintendo, PlayStation), Browsers (sử dụng WebGL), … Không chỉ vậy, Unity cũng sẵn có các tính năng công nghệ thực tế ảo VR hay thực tế tăng cường AR có thể chạy tốt trên các thiết bị như Google Cardboard, GearVR, Hololens, Oculus, …
Về mặt đồ họa, Unity hỗ trợ cả 2D và 3D, có thể sử dụng các đồ họa APIs phổ biến như Direct3D, OpenGL, WebGL, … Unity cung cấp cho các lập trình viên những công cụ dựng hình, kết xuất đồ họa, xử lý về cả âm thanh, hình ảnh, đồng thời có sẵn công cụ vật lý (tính toán và phát hiện va chạm).
Unity Developer là gì?
Unity Developer là những lập trình viên sử dụng nền tảng Unity để phát triển, xây dựng những dự án game theo yêu cầu của khách hàng. Những dự án Unity phổ biến như: trò chơi (game), phim ảnh, hoạt hình, ô tô, kiến trúc, quảng cáo, xây dựng, …
Cũng giống như các lập trình viên ở mảng khác, công việc của 1 Unity Developer bao gồm việc viết code để thực hiện chương trình với ngôn ngữ mà game engine này sử dụng phổ biến là C# – ngôn ngữ kịch bản hướng đối tượng. Tuy nhiên, Unity Developer không chỉ viết code, làm game sẽ có những công việc đặc thù khác với lập trình khác như dưới đây:
- Lên ý tưởng và triển khai gameplay trong môi trường phát triển:
Đây là yêu cầu bắt buộc mà Unity Developer cần phải nắm được. Không như các ứng dụng thì game có những logic, kịch bản, gameplay hoạt động độc lập theo logic nhất định là thường xuyên suốt quá trình chơi; vì thế lập trình viên cần nắm được các logic này, đồng thời còn phát huy sự sáng tạo trong quá trình phát triển để tạo ra sản phẩm thu hút được người dùng cuối.
- Sử dụng thành thạo Unity Editor:
Unity cung cấp cho chúng ta Unity Editor và bạn phải làm việc chính trên công cụ này. Nó giúp bạn tạo ra các Scenes (màn chơi), import và sử dụng các assets (2D, 3D resources, sound, animation, …), tạo ra các đối tượng (GameObject), gắn kịch bản (Scripts) cho đối tượng, … Có thể nói tất cả các công việc của bạn đều thực hiện cùng Unity Editor, vì vậy việc học và sử dụng nó là điều tất yếu mà bạn cần phải làm để tạo ra game của mình.
- Làm việc với Unity Asset Store:
Đây là 1 nơi cung cấp cho bạn vô số các resources hữu ích mà có thể sử dụng trong dự án. Bạn có thể tìm được từ các mô hình (model) nhân vật, các hiệu ứng chuyển động (animation) hay cả những đoạn code (script) có sẵn và chính thống đến từ Unity và các nhà phát triển khác phát hành. Ngoài ra, bạn cũng cần tài khoản Unity ID cho việc phát hành game, đồng thời có thể tích hợp các tính năng như quảng cáo, kiếm tiền, phân tích số liệu thông qua các service mà Unity cung cấp.
- Phát hành, quảng cáo game:
Đối với game, việc thu hút được số lượng người chơi ngay từ ban đầu lúc phát hành là điều vô cùng quan trọng quyết định đến thành công của sản phẩm. Lập trình viên làm game nói chung hay Unity nói riêng để hỗ trợ phát hành game cũng tham gia tích cực vào giai đoạn này với việc kiểm thử (chơi thử), phát hành các bản demo, dùng thử, tạo các quảng cáo cho game nhằm thu hút người dùng,…
Lộ trình học để trở thành Unity Developer
Trước hết nếu muốn làm Unity, theo mình thì các bạn cần có 1 sự đam mê nhất định về game và thích chơi game. Mặc dù Unity có thể làm nhiều thứ khác ngoài game, tuy vậy logic và tư duy lập trình Unity khá là khác so với việc làm Web, làm ứng dụng đơn thuần. Đam mê chơi và tạo ra game bằng chính những dòng code của mình lúc nào cũng tạo ra động lực lớn hơn đúng không nào.
Để lập trình thì bước đầu tiên luôn là học ngôn ngữ lập trình cùng các kiến thức cơ bản, với Unity thì bạn cần học C#, từ cách khai báo biến, cách viết các câu lệnh điều kiện, vòng lặp. Kiến thức và tư duy về thuật toán, giải thuật cũng khá cần thiết trong game, vì vậy hãy đầu tư tìm hiểu và học về nó để sẵn sàng có thể giải quyết các bài toán gặp phải.
Bước tiếp theo, hãy làm quen với Unity Editor, hàng năm đều có phiên bản mới được cập nhật với những cải thiện và tính năng mới được Unity thêm vào.
Cái thành phần cơ bản nhất trong Unity Editor mà bạn cần nắm vững:
- Scene View: màn hình thế giới game, nơi chứa tất cả những gì trong game của bạn tạo ra
- Game View: màn hình game, hiển thị những gì mà người dùng nhìn thấy khi chơi game.
- Hierarchy: hiển thị danh sách các gameObjects mà bạn tạo ra theo phân cấp (dạng cây)
- Inspector: hiển thị các thông số, thuộc tính của gameObject như tọa độ, hình ảnh, các script được gắn vào
- Project: hiển thị các assets cùng các script mà bạn sử dụng
Có rất nhiều công cụ, tính năng được Unity Editor cung cấp cho bạn. Hãy cố gắng tìm hiểu nhiều nhất có thể.
Sau khi làm quen được với Unity Editor, hãy tập trung tìm hiểu về phần xử lý hình ảnh, âm thanh, animation,… gồm cả 2D và 3D trong Unity. Đây là bước giúp bạn có thể sử dụng resources và tạo ra các gameobject, xây dựng nhân vật, hiệu ứng cho game của mình. Trong Unity, bạn cũng có những component cơ bản như Button, Text, Image, Input, … tương tự trên Web; tuy vậy thì thứ bạn thường xuyên làm việc cùng đấy là Canvas, Materials, 3D Objects, Camera, Light, Particale, Terrains, … và nó cũng là đặc thù của việc làm game.
Bên cạnh đó điều mới mẻ và cũng là khó nhất trong Unity là làm việc với engine vật lý (Physic): Rigidbody, Collider (Box, Capsule, Mesh, Sphere, Wheel,…), Mass, Gravity, … Xử lý vật lý luôn là phần cốt lõi trong việc hình thành ra game, tương tác giữa các nhân vật (characters), giữa nhân vật với chướng ngại vật (obstacle) hay với background xung quanh có trọng lực (gravity) sẽ giúp game giống với thực tế và tạo sự hấp dẫn cho nó. Đây là 1 kiến thức khó, vì thế để làm được Unity, bạn cần nắm được nó thì mới có thể thực sự lập trình được cùng engine này.
Đến bước này, các bạn đã có thể nắm được cơ bản kiến thức về Unity và tự tin làm việc cùng nó trong các dự án game của mình hay của khách hàng. Để phát triển sâu, hãy tìm hướng đi bằng cách chọn những thể loại game phù hợp, tìm hiểu sâu về kiến thức mảng mà mình tìm hiểu. Có 1 số mảng game mà Unity được xem là thế mạnh và bạn có thể lựa chọn:
- Game Casual: thể loại game phổ thông, dễ chơi thường chạy trên Web hoặc mobile, nổi bật gần đây là tựa game Untitled Goose phát hành bởi House House
- Online MultiPlayer: thể loại game online nhiều người chơi, chạy trên nhiều platform khác nhau từ mobile, web đến PC, consoles. Đại diện ưu tú của dòng game này được phát triển bằng Unity là Amoung Us
- VR/AR Game: dòng game thực tế ảo / thực tế tăng cường là 1 thế mạnh của Unity. Nổi bật nhất là Pokemon Go của Niantic
- Action/RPG: dòng game hành động nhập vai, đây được xem là dòng game đỉnh cao nhất của các thể loại game với đồ họa, logic, xử lý vô cùng phức tạp. Unity cũng đóng góp những đại diện cho dòng game này nổi bật như Escape from Tarkov
Ngoài ra còn vô số dòng game khác mà các bạn nếu đam mê hãy tìm hiểu thêm nhé.
Kết bài
Nói về Unity thì chỉ trong khuôn khổ một bài viết là không hề đủ, có rất nhiều kiến thức thú vị và hấp dẫn về game engine cũng như cộng đồng lập trình viên Unity. Unity Developer đã, đang và sẽ là 1 nghề hấp dẫn với mức đãi ngộ tốt trong tương lai sắp tới. Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích về ngành lập trình game bằng Unity. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của mình.
Bài viết được đăng trên blog TopDev: https://topdev.vn/blog/unity-developer-la-gi/
Bình luận